Theo khảo sát về An ninh và An toàn đầu tiên của MasterCard, tại Việt Nam, gian lận thẻ ATM (31%), trộm danh tính qua mạng (29%) và hàng giả (28%) là những mối lo ngại hàng đầu khi giao dịch thanh toán điện tử.
Người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Hồng Kông đều có những mối lo ngại tương tự. 42% người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) lo ngại về gian lận thẻ ATM nhất như đánh cắp thẻ, trộm thông tin để làm thẻ giả. Tại 3 thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, tỷ lệ này là 31%.
Người tiêu dùng tại Đông Nam Á (35%) và Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (32%) có cùng mức độ lo ngại về vấn đề trộm danh tính và xâm phạm dữ liệu, bao gồm các dữ liệu cá nhân như thông tin ngân hàng, chứng minh thư, địa chỉ và chữ ký bị đánh cắp hoặc xâm phạm qua trang web. Tuy nhiên, tại cả hai khu vực, những lo ngại này không phát xuất trực tiếp từ những trải nghiệm cá nhân riêng của người tiêu dùng, nhưng dựa trên mức độ nghiêm trọng về gian lận được báo cáo trên truyền thông.
Tỷ lệ phần trăm người dùng cảm thấy an toàn khi thực hiện thanh toán điện tử theo kết quả khảo sát của MasterCard.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng tại Đông Nam Á và những thị trường Đài Loan và Hồng Kông vẫn cảm thấy giao dịch tại những cửa hàng an toàn hơn qua mạng.
Trong khi đó, bảng xếp hạng tiếp tục nhấn mạnh vai trò then chốt của các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn và bảo mật thanh toán đối với người tiêu dùng Đông Nam Á. Điều này được minh chứng bởi mức độ tin tưởng cao của người tiêu dùng dành cho ngân hàng, cũng như sự tín nhiệm của người tiêu dùng đối với ngân hàng trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này. Ngân hàng cũng là phòng tuyến đầu tiên mà người tiêu dùng cầu viện đến khi gặp sự cố - gần một nửa số người tiêu dùng tại Đông Nam Á khi bị gian lận ATM đều liên lạc với ngân hàng phát hành thẻ trước tiên để được tư vấn.
“Có một mối tương quan rõ rệt và sâu sắc giữa việc đa số các chủ thẻ đều có liên hệ mật thiết với ngân hàng và cảm tính của chủ thẻ về việc tin tưởng vào ngân hàng nào nhiều nhất để đảm bảo an toàn và bảo mật trong thanh toán điện tử. Điều này được phản ánh rõ nét tại Việt Nam khi 42% người tiêu dùng liên hệ với ngân hàng đầu tiên để giải quyết những vấn đề về thanh toán thẻ và hầu hết trong số họ (79%) đều mong đợi ngân hàng sẽ cung cấp cho họ những thông tin về an ninh và an toàn trong thanh toán”, Ari Sarker, đồng chủ tịch MasterCard châu Á Thái Bình Dương phát biểu.
Nhìn chung, tại Việt Nam, thanh toán bằng thẻ tín dụng đã trở nên phổ biến khi 87% người tiêu dùng trả lời đã sử dụng hình thức thanh toán này trong 12 tháng qua, tuy nhiên thanh toán bằng hình thức chuyển tiền qua ngân hàng vẫn được sử dụng rộng rãi với tỷ lệ 70%. Các hình thức thanh toán hiện đại hơn như thẻ không tiếp xúc, ví di động NFC hay ví kỹ thuật số còn rất thấp.
Khi giao dịch tại các cửa hàng trong nước, thanh toán bằng tiền mặt vẫn phổ biến (47%), tuy nhiên thẻ tín dụng cũng đang dần chiếm ưu thế (42%). Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tiền mặt và thẻ tín dụng đều dễ sử dụng và an toàn gần như ngang nhau tại các cửa hàng nội địa.
Khảo sát được thực hiện tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam) và tại 3 quốc gia Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Tổng cộng 6.600 người tiêu dùng và 100 cửa hàng/địa điểm được phỏng vấn trực tuyến và trực tiếp từ tháng 1 đến tháng 5/2015 về các câu hỏi liên quan đến viễn cảnh an ninh thanh toán, thanh toán tại cửa hàng và trực tuyến, những quan ngại về thanh toán và an toàn và kinh nghiệm về gian lận thanh toán.
Theo ICTNews
Thêm bình luận