IoT (Internet of Things - Internet kế nối vạn vật) là cuộc cách mạng hứa hẹn đem lại những cơ hội rất lớn nhưng đi kèm không ít rủi ro. Do đó, các cá nhân, tổ chức phải nâng cao nhận thức, xây dựng và tuân thủ những chính sách cũng như khuyến cáo về an toàn bảo mật để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có.
Internet of Things đang bùng nổ trong mọi lĩnh vực.
Khi tìm kiếm thuật ngữ IoT (Internet of Things) trên Internet, sẽ có 61 triệu kết quả chỉ trong 0.73 giây. IoT đang là cụm từ bao trùm mọi ngóc ngách cuộc sống, từ các tổ chức, doanh nghiệp đến từng gia đình, cá nhân.
Theo BI Intelligence, các thiết bị IoT kết nối với Internet sẽ tăng gấp 3 lần từ nay đến năm 2020 (từ 10 tỷ đến 34 tỷ thiết bị).
Trong đó, doanh nghiệp sẽ là đối tượng chính ứng dụng các giải pháp IoT để cắt giảm chi phí hoạt động, tăng năng suất và mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo ngày càng nhiều thiết bị IoT được kết nối Internet thì thực tế cũng đồng nghĩa với rủi ro đi theo càng nhiều, đặc biệt là rủi ro về bảo mật thông tin.
Cuối năm 2015, một nhóm hacker đã đánh sập mạng lưới điện của vùng tây Ukraine. Đầu năm 2016, trang web Ủy ban bầu cử của Philippine cũng bị tấn công thay đổi giao diện và sao chép dữ liệu liên quan đến ngày sinh, độ tuổi, thông tin hộ chiếu.
Mới đây, trang web của Vietnam Airline cũng bị hacker tấn công và hậu quả là rất nhiều thông tin cá nhân của khách hàng đã bị lộ.
Những vụ tấn công mạng đang ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ thiệt hại. Đến lúc này, không chỉ người dùng, doanh nghiệp mà cả chính phủ đã phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc.
Nhiều hãng và chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới đã đưa ra những giải pháp, thiết bị phù hợp nhằm hạn chế tối đa những rủi ro.
Tại diễn đàn ICT Summit 2016 diễn ra ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh công nghệ càng phát triển, càng tiện dụng, hiện đại, tinh vi bao nhiêu thì tác động, quy mô ảnh hưởng, hậu quả và thiệt hại khi xẩy ra sự cố lại càng phức tạp hơn bấy nhiêu. Chính sự kết nối mà điển hình là xu hướng IoT cũng mang lại những thách thức vô cùng lớn khi quy mô của hoạt động này đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống và lớn hơn rất nhiều so với những ứng dụng CNTT-TT trước đây.
Theo ông Jong Hyun Park, Tổng Giám đốc DASAN Zhone Solutions Việt Nam, trước các mối nguy cơ tiềm ẩn trong cơn bão IoT, việc nâng cao nhận thức đang là điều cần nhất với doanh nghiệp và người tiêu dùng tại thời điểm hiện nay.
Do đó, người tiêu dùng sẽ có xu hướng do dự và cân nhắc kỹ lưỡng về các tính năng bảo mật của sản phẩm khi quyết định mua các thiết bị thông minh. Từ đó, rủi ro bảo mật sẽ được hạn chế.
Ở khía cạnh chính phủ, cũng trong nỗ lực nâng cao nhận thức về an toàn bảo mật thông tin, chính phủ của nhiều quốc gia đã không ít lần đưa ra những khuyến cáo về rủi ro bảo mật từ các thiết bị của một số nhà cung cấp mà họ cho là không an toàn.
Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ đã nhiều lần cảnh báo từ các thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Đầu tháng 9/2016, chính phủ Czech cũng đã từ chối công nghệ của một nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc vì nguy cơ bảo mật.
Theo Cục tình báo Czech, sử dụng các thiết bị điện tử từ các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ quá rủi ro nên Bộ Nội vụ của Czech đã từ chối hợp tác.
Khảo sát về bảo mật của AT&T với hơn 5000 doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, 85% doanh nghiệp đang trong quá trình hoặc có dự kiến triển khai các thiết bị IoT. Tuy nhiên, chỉ 10% tự tin mình có thể đảm bảo các thiết bị này an toàn trước các cuộc tấn công mạng.
Trong báo cáo “Bảo mật trong kỷ nguyên IoT 2016” do Telecom.com Intelligence thực hiện, khi được hỏi “Doanh nghiệp đã sẵn sang cung cấp một giải pháp bảo mật hoàn thiện cho IoT hay không?” thì có 15% số được hỏi trả lời “có” và khoảng 50% trả lời “Có kế hoạch chậm nhất là năm 2020”.
Đối với những nước phát triển như châu Âu, chi phí đầu tư cho công nghệ hàng năm 19 - 20%, ở thị trường mới nổi là 7 - 9% lợi nhuận. Nhưng tại Việt Nam, con số này thậm chí còn thấp hơn và mức độ đầu tư còn manh mún.
Phía công ty an ninh mạng Bkav cũng từng cho hay doanh nghiệp này luôn khuyến cáo các đơn vị, tổ chức nên dành 5 - 10% chi phí đầu tư về CNTT cho lĩnh vực an toàn an ninh mạng để hạn chế rủi ro.
Đại diện DASAN Zhone Solutions Việt Nam nhấn mạnh, IoT là một cuộc cách mạng hứa hẹn đem lại những cơ hội rất lớn, nhưng cũng đi kèm không ít rủi ro cho mọi tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Do đó, các cá nhân, tổ chức cần phải nâng cao nhận thức vì lợi ích quốc gia, xây dựng và tuân thủ những chính sách cũng như khuyến cáo về an toàn bảo mật để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có.
Theo ICTNews
Thêm bình luận