Nhà Trắng vừa công bố dự luật cho người tiêu dùng thêm quyền kiểm soát đối với cách thức sử dụng, lưu trữ và bán dữ liệu mà họ để lại trên mạng Internet, theo Reuters.
“Dự thảo thảo luận” dài 24 trang về bảo mật dữ liệu đã gây phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp thông tin vốn cho rằng đề xuất trên sẽ gây tổn hại cho việc sáng tạo, cũng như từ các nhóm ủng hộ sự bảo mật vốn cho rằng dự luật chưa đạt đủ tầm mà họ mong đợi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác định an ninh mạng là trọng tâm lớn sau một loạt vụ tấn công nhằm vào những công ty như Sony Pictures, Anthem và Target, theo Reuters.
Chủ nhân Nhà Trắng cũng đề xuất dự luật giúp chính phủ và khu vực tư nhân sẵn sàng chia sẻ dữ liệu tấn công mạng, một tiêu chí quốc gia mới buộc các công ty thông báo cho người tiêu dùng về những vụ xâm nhập dữ liệu trong vòng 30 ngày, cùng những biện pháp bảo vệ mới đối với dữ liệu của học sinh, sinh viên.
A
n ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân người dùng trên Internet đang là chủ đề "nóng" tại Mỹ.
Reuters cho hay, Tổng thống Mỹ Obama đã hứng đòn chỉ trích của các nhóm bảo mật cũng như công ty công nghệ sau khi những tiết lộ từ cựu nhân viên NSA Edward Snowden cho thấy quy mô hoạt động theo dõi trên không gian mạng của chính phủ.
Đạo luật bảo mật dữ liệu sẽ luật hóa những quy định mang tính tự nguyện của đạo luật Bản tuyên ngôn về quyền bảo mật của người tiêu dùng được Nhà Trắng đưa ra vào năm 2012.
“Ngay cả dù các công ty có trách nhiệm cung cấp cho chúng ta những công cụ để kiểm soát các cài đặt bảo mật và quyết định thông nhân cá nhân được sử dụng như thế nào. Người Mỹ vẫn cảm thấy họ đã mất khả năng kiểm soát đối với dữ liệu của mình”, Nhà Trắng nói trong một thông báo đưa ra hôm 27/2.
Cũng theo Nhà Trắng, dự luật mới một khi được thông qua sẽ cho phép các ngành công nghiệp phát triển những bộ quy tắc ứng xử với sự giám sát của Ủy ban Thương mại Liên bang, và những bộ quy tắc này sẽ cung cấp các “bến đậu an toàn” cho những công ty tuân thủ chúng.
Ủy ban Thương mại Liên bang sẽ có quyền thực thi luật trên, và có thể yêu cầu nộp phạt đến 25 triệu USD cùng những lệnh của tòa đối với các vi phạm, trong khi đó các tổng chưởng lý cấp bang cũng có thể thực thi luật trong một số trường hợp.
Trung tâm vì dân chủ số - một tổ chức bảo mật cho người tiêu dùng - đã gọi dự luật trên là “bước lùi nghiêm trọng về bảo mật” do nó phụ thuộc vào các bộ quy tắc do ngành tạo ra, theo tường thuật của Reuters.
Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng Mỹ - một nhóm vận động chính sách cho các công ty công nghệ tiêu dùng - cũng đã chỉ trích gay gắt dự luật trên.
“Những định nghĩa rộng rãi của đề xuất, việc mở rộng quản lý hành chính và những hình phạt không hợp lý có thể tạo gây bất ổn cho kinh tế công nghệ và kìm chế sự phát triển quá trình kết nối mọi thứ với nhau qua mạng Internet”, tổ chức trên tuyên bố trong một thông báo.
Một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ cho biết dự luật đã cố gắng cân bằng giữa việc bảo mật và tạo sự linh hoạt cho các doanh nghiệp.
“Chúng tôi muốn thúc đẩy văn bản khung của Tổng thống Obama về bảo vệ sự riêng tư của người tiêu dùng bằng cách kéo tất cả các bên vào bàn để thảo luận cách thức vận dụng các biện pháp bảo vệ sự riêng tư trong kỷ nguyên số”, ông Lawrence Strickling, người quản lý Cơ quan Thông tin và Viễn thông quốc gia Mỹ cho biết.
Theo PCWorldVN
Thêm bình luận