AT&T giúp NSA nghe lén Liên Hiệp Quốc

AT&T và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã phối hợp lắp đặt một hệ thống theo dõi Internet rộng khắp, và tập đoàn viễn thông Mỹ đã hỗ trợ các điệp viên nghe lén Liên Hiệp Quốc.

Dù gần đây người ta biết rằng tất cả hãng viễn thông của Mỹ bị bắt buộc phải hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia - NSA trong việc theo dõi Internet theo các yêu cầu về pháp lý, nhưng quy mô AT&T “đồng sàng” với chính phủ Mỹ chỉ đến bây giờ mới được phanh phui.

Các tài liệu của NSA, do cựu nhà thầu Edward Snowden cung cấp mới đây và được tờ The New York Times thu thập, đã cung cấp thông tin chi tiết về mối quan hệ giữa hai tổ chức này trong thập niên kéo dài đến năm 2013.

Đây cũng phải không phải là một nỗ lực nhỏ. NSA có một khoản ngân sách lớn để lắp đặt thiết bị theo dõi, cùng nhiều thứ khác, tại các khu vực của AT&T, được cho là lớn hơn gấp đôi so với số tiền được chi cho các hãng viễn thông khác.

Ít nhất 17 trung tâm Internet đóng tại Mỹ của AT&T được gắn thiết bị do thám của NSA, nhiều hơn hẳn so với những thiết bị được lắp đặt tại các khu vực của nhà mạng Verizon.

Trong khi đó, AT&T đã thúc đẩy vai trò nền tảng thử nghiệm cho các hệ thống theo dõi mới của NSA, hoạt động như một “đối tác” với cơ quan này khi họ cải tiến hoạt động do thám của mình.

Chẳng hạn, vào cuối năm 2003, AT&T được cho là đã trở thành đối tác viễn thông đầu tiên của NSA chuyển sang một hệ thống mới như một phần của chương trình Fairview, mật danh dành cho các hoạt động phối hợp với AT&T, vốn được mô tả là đã cho NSA “thông tin trực tiếp” về các hoạt động trên Internet.

 

AT & T là “bạn tốt” của NSA

Ảnh minh họa.

Ngoài hàng tỷ email đi qua các máy chủ của AT&T, NSA còn sử dụng mối quan hệ với tập đoàn này để theo dõi tòa nhà Liên Hiệp Quốc, theo các tài liệu của cựu điệp viên Snowden.

Trước đó, NSA đã bị các chỉ trích về âm mưu nghe lén các chính khách nổi tiếng. Chẳng hạn, vụ nghe lén Thủ tướng Đức Angela Merkel, theo tiết lộ từ WikiLeaks, đã dẫn đến việc Verizon không còn là ISP được ưa chuộng tại Đức.

NSA được cho là đã đề cập đến các hoạt động của họ với Verizon là Stormbrew.

Ngay cả những người bên ngoài nước Mỹ cũng không thoát lưới theo dõi của NSA. Do có quá nhiều hoạt động mạng đi qua máy chủ của AT&T, NSA có khả năng tiếp cận dữ liệu “nước ngoài đến nước ngoài” mà tập đoàn Mỹ được cho là đã bàn giao một cách tự nguyện suốt nhiều năm.

Tính đến năm 2013, khi Verizon nhập cuộc và bắt đầu chuyển các dữ liệu tương tự của họ cho NSA, và cơ quan này được cho là đã xử lý 60 triệu email nước ngoài đến nước ngoài mỗi ngày, một phần đáng kể trong số này đến từ các mạng dữ liệu/viễn thông của AT&T.

AT&T và Verizon đã từ chối bình luận về những tiết lộ mới nhất, viện dẫn lý do an ninh quốc gia, và cả NSA cũng vậy.

Hiện chưa rõ việc chuyển giao dữ liệu đang tiếp diễn với quy mô nào vào thời điểm hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dư luận chú ý nhiều hơn đến sự riêng tư trên Internet sau vụ Edward Snowden tung ra các hồ sơ mật về NSA.

Trong tuyên bố gửi đến trang tin SlashGear mới đây, đại diện AT&T đã khẳng định: “Chúng tôi không cung cấp thông tin cho bất kỳ cơ quan điều tra nào mà không có lệnh của tòa án hoặc quy trình mang tính bắt buộc nào ngoại trừ trường hợp tính mạng của một ai đó gặp nguy hiểm và thời gian là tối quan trọng. Chẳng hạn, trong một tình huống bắt cóc, chúng tôi có thể hỗ trợ truy tìm những số điện thoại được gọi để hỗ trợ lực lượng chấp pháp”.

Theo PCWorldVN

Thêm bình luận

Plain text

  • Không được dùng mã HTML.
  • Các địa chỉ web và email sẽ tự động được chuyển sang dạng liên kết.
  • Tự động ngắt dòng và đoạn văn.