Sau nhiều cáo buộc liên quan đến phần mềm bảo mật Kaspersky có nguy cơ chứa backdoor, công cụ gián điệp, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã chính thức cấm sử dụng mọi phần mềm Kaspersky tại nhiều cơ quan liên bang.
Sau lệnh cấm sử dụng phần mềm Kaspersky, đã có thông tin cho rằng, hãng bảo mật nước Nga đang tính tới việc đóng cửa văn phòng tại Washington, D.C do căng thẳng quan hệ đang diễn ra theo chiều hướng xấu giữa Nga và Mỹ.
Tờ Fortune dẫn lời phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết: "Bộ ngoại giao Mỹ quan ngại về mối liên hệ giữa nhiều quan chức Kaspersky và tình báo Nga, hoặc các chính phủ khác. Chúng tôi cũng quan tâm tới luật pháp nước này, cho phép cơ quan tình báo Nga có thể yêu cầu hoặc ép buộc Kaspersky hỗ trợ và ngăn chặn kết nối tới mạng lưới của nước Nga. Nguy cơ cao chính phủ Nga dù hoạt động độc lập hoặc hợp tác với Kaspersky, có thể lợi dụng các truy cập từ sản phẩm của hãng để xâm nhập hệ thống thông tin liên bang, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia Mỹ".
Theo kế hoạch của chính phủ Trump, việc loại bỏ các sản phẩm Kaspersky sẽ diễn ra trong vòng 90 ngày. Trong 30 ngày tới, các cơ quan liên bang phải báo cáo cho DHS về số lượng phần mềm bảo mật đang sử dụng. Thời gian 60 ngày còn lại, các cơ quan sẽ phải lên kế hoạch tìm phần mềm bảo mật thay thế. Và cuối cùng 90 ngày tiếp theo, tất cả mọi tổ chức, cơ quan phải chấm dứt sử dụng phần mềm hoàn toàn.
Về phần mình, Kaspersky Lab khẳng định, công ty đang là một con tốt trong ván cờ chính trị giữa Mỹ và Nga. Hồi tháng 7, công ty cũng bị gỡ khỏi danh sách các nhà cung ứng công nghệ từ phía các cơ quan chính phủ Mỹ.
Điện Kremlin gọi quyết định của chính phủ Mỹ liên quan đến Kaspersky là một động thái mang tính chính trị. Phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định, Nga sẽ luôn nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho các công ty của họ ở nước ngoài.
Theo VnReview
Thêm bình luận