Gần đây, một số tội phạm mạng đã sử dụng phương thức lừa đảo bằng cách lập website xác minh nhằm đánh cắp tài khoản Facebook của người dùng. Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an mạng của Bkav đánh giá đây là một thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi vì ứng dụng trên Facebook đang rất phổ biến, người dùng Việt Nam cần cảnh giác để tránh bị chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội này.
Theo đó, các trang web lừa đảo sẽ được thiết kế giống trang xác minh tài khoản của Facebook, tồn tại trong nền tảng ứng dụng của mạng xã hội này. Tin tặc sẽ tạo ra một ứng dụng chứa nội dung (trang lừa đảo) từ một trang web thông qua iframe (một công cụ được dùng để thiết kế website giúp người dùng nhúng hình ảnh, video hay nguyên cả website của người khác vào website của mình). Bằng cách tấn công từ nền tảng ứng dụng của Facebook, tội phạm mạng sẽ khiến các nạn nhân nghĩ rằng trang lừa đảo được ưu tiên trên miền facebook.com hợp pháp. Hơn nữa, do trang web chứa nội dung độc hại cũng sử dụng giao thức https nên thanh địa chỉ của trình duyệt sẽ hiển thị biểu tượng ổ khóa và không đưa ra cảnh báo nào.
Người dùng Facebook có thể bị đánh cắp tài khoản từ những website khai bao thông tin trông có vẻ "rất thật" như thế này
Khi truy cập vào các trang web lừa đảo, người dùng được hướng dẫn nhập địa chỉ email hoặc số điện thoại, mật khẩu và câu trả lời cho câu hỏi an ninh. Các thông tin này sau đó sẽ được gửi trực tiếp đến trang web của kẻ tấn công. Thậm chí, tinh vi hơn, trong trường hợp người dùng nghi ngờ, cố tính gõ sai tên đăng nhập và mật khẩu để kiểm tra tính hợp pháp của việc xác minh, website này sẽ hiển thị một thông báo lỗi giả. Qua đó, người dùng sẽ tin tưởng khai báo thông tin cá nhân của mình hơn.
Khi nhập lại thông tin lần thứ hai, nạn nhân sẽ được yêu cầu chờ 24 giờ để xác nhận, Trong thời gian đó, tội phạm mạng có thể truy cập vào tài khoản của nạn nhân hoặc bán tài khoản cho kẻ xấu để sử dụng vào các mục đích khác như gửi thư rác hoặc gian lận. Tài khoản bị cướp cũng có thể được sử dụng để thu hút bạn bè của nạn nhân đến trang lừa đảo.
Cũng theo khẳng định của vị đại diện Bkav, việc xác thực tài khoản Facebook thường chỉ được thực hiện một lần duy nhất sau khi người dùng đăng nhập. Khi tham gia các ứng dụng hay game trên nền tảng này, Facebook chỉ yêu cầu người dùng xác nhận việc chấp nhận hay không chấp nhận tham gia ứng dụng/game đó. Do vậy, gần như chắc chắn những yêu cầu xác nhận tài khoản như thế là giả mạo.
Để phòng tránh nguy cơ mất tài khoản Facebook, người dùng cần hạn chế các ứng dụng mà mình được “mời” (invite) chơi, trừ khi biết chắc ứng dụng đó là an toàn. Đồng thời, nên sử dụng thủ thuật bảo mật hai lớp để có thể khôi phục quyền sở hữu tài khoản trong trường hợp bị đánh cắp. Người dùng nên cảnh giác trước những website yêu cầu xác nhận thông tin tài khoản.
Theo ICTNews
Thêm bình luận