Cướp biển thời đại kỹ thuật số nguy hiểm như thế nào?

Không cần nổ súng, không cần đổ máu, "cướp biển" ngày nay có thể lợi dụng hệ thống máy vi tính của các hãng vận tải biển để đánh cắp hàng hóa, thay đổi lộ trình và thậm chí khiêu khích để gây xung đột, khiến ngành hàng hải đứng trước viễn cảnh không mấy tươi sáng.

Khi kiểm tra hệ thống mail cho khách hàng là một công ty vận tải biển quy mô vừa, nhân viên kỹ thuật của CyberKeel phát hiện một vấn đề nghiêm trọng. “Ai đó đã đột nhập vào hệ thống máy tính của công ty này và cấy 1 con virus. Con virus này có thể theo dõi tất cả các email đến và đi của phòng tài vụ”. Thậm chí, khi có mail yêu cầu thanh toán từ công ty cung cấp nhiên liệu, nó sẽ thay đổi nội dung email, sửa số tiền hoặc thêm vào một tài khoản thụ hưởng khác. Công ty này đã mất vài triệu USD trước khi phát hiện vụ việc.

Hacker có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin quan trọng của một công ty hàng hải nếu đột nhập vào hệ thống máy tính. 

Sau vụ tấn công của NotPetya vào hồi tháng 6, các công ty vận tải đều đã bị thiệt hại nghiêm trọng, riêng hãng vận tải lớn nhất thế giới Maersk đã mất số tiền lên tới 300 triệu USD và phải đóng cửa một số cảng thuộc công ty con APM.

CEO của CyberKeel, ông Lars Jensen từ lâu đã khẳng định, ngành công nghiệp vận tải cần phải có nhiều biện pháp phòng vệ trước các hacker. Sau vụ việc hồi tháng 6, ngành công nghiệp này giờ đây đã nhận ra các hoạt động vận tải trong môi trường thực có thể chịu tác động nghiêm trọng thế nào từ không gian ảo.

Các hacker có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin nhạy cảm nếu đột nhập được vào hệ thống máy tính của một công ty vận tải. Những kẻ tấn công có thể tìm ra tàu nào đang chở hàng gì, kiện hàng chúng muốn lấy cắp đang nằm ở đâu bởi mỗi kiện hàng hay container đều có mã riêng. Việc lên tàu, xác định vị trí kiện hàng và sau đó đánh cắp rồi rời khỏi tàu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất là các tàu càng được vi tính hóa lại càng dễ bị hack.

 

Hệ thống điều khiển trên các tàu đều được kết nối Internet. 

Các hệ thống định vị hàng hải quan trọng như Ecdis (Electronic Chart Display) cũng đã trở thành đối tượng của kẻ tấn công. Công ty an ninh mạng NCC Group từng giải quyết một vụ việc khi một thành viên thủy thủ đoàn của tàu đã vô tình mang theo USB có chứa mã độc để cập nhật lộ trình của tàu và khiến virus lan ra hệ thống định vị khiến lô hàng nặng 80.000 tấn xuất phát từ một cảng tại châu Á bị hoãn vô thời hạn.

Nguy hiểm hơn, các hacker có thể sử dụng một ứng dụng có tên Ship Tracker để đột nhập vào hệ thống liên lạc vệ tinh của các tàu, mang tên VSat, từ đó khống chế lịch trình, thông tin liên lạc và có thể gây khiêu khích dẫn đến xung đột.

Hiện trên thế giới có hơn 51.000 tàu thương mại, vận chuyển 90% lượng hàng giao dịch trên toàn cầu. Vụ việc của Maersk hồi tháng 6 vừa qua là lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn cũng như lời nhắc nhở ngành vận tải hàng hải cần chú ý hơn nữa đến an ninh công nghệ cho mình. 

Vận tải hàng hải đóng vai trò quan trọng trong thương mại thế giới. 

Theo ICTNews

Thêm bình luận

Plain text

  • Không được dùng mã HTML.
  • Các địa chỉ web và email sẽ tự động được chuyển sang dạng liên kết.
  • Tự động ngắt dòng và đoạn văn.