Mỗi tuần Việt Nam có 40.000 - 50.000 sự kiện an toàn thông tin nguy hiểm

Hàng tuần Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) thực hiện công tác giám sát mạng và phát hiện 2 triệu sự kiện an toàn thông tin cần xử lý, trong đó thường xuyên có 40.000 - 50.000 sự kiện nguy hiểm cần phân tích và có phương án giải quyết tức thì.

Số liệu thống kê nêu trên vừa được VNCERT đưa ra tại hội nghị “Giám sát, Điều phối, Ứng cứu sự cố trong xây dựng chính phủ điện tử” diễn ra sáng nay, ngày 26/8/2016 tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Hội nghị “Giám sát, Điều phối, Ứng cứu sự cố trong xây dựng chính phủ điện tử” được Bộ TT&TT tổ chức ngày 26/8/2016 tại Lý Sơn, Quảng Ngãi (Ảnh: Thế Hùng)

Là sự kiện được tổ chức để trao đổi các vấn đề đang rất cấp bách hiện nay liên quan đến đảm bảo an toàn mạng cho các hệ thống và dịch vụ CNTT trong xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đang được triển khai theo Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cùng đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Trung tâm CNTT của các bộ, ban, ngành trung ương đại diện cho các thành viên trong Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin (ATTT) mạng quốc gia.

Tính đến nay, mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia có cơ quan điều phối ứng cứu sự cố quốc gia là VNCERT và 124 đơn vị, doanh nghiệp là thành viên chính thức với hơn 500 cán bộ kỹ thuật chuyên trách trong các đội ứng cứu sự cố của các bộ, ngành, địa phương.

Đại diện VNCERT cho biết, mục đích chính của hội nghị lần này là khẳng định và làm rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm, qui trình xử lý và phối hợp trong công tác giám sát, điều phối và ứng cứu sự cố ATTT của Mạng lưới trước các tấn công mạng đang diễn ra hàng ngày. Đây là lực lượng thường trực và sẽ là đội quân tinh  nhuệ luôn sẵn sàng 24/7 để bảo vệ không gian mạng Việt Nam an toàn. Sự kiện tấn công mạng Vietnam Airlines vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của công tác điều phối ứng cứu cũng như giá trị của sự chung sức giữa các thành viên Mạng lưới.

Cùng với các cuộc diễn tập quốc gia và quốc tế, các hội thảo, hội nghị giao ban Mạng lưới cũng được tổ chức thường niên giữa các thành viên nhằm phổ biến các chủ trương, qui định, chính sách mới của Chính phủ đồng thời cập nhật các thông tin mới nhất và bàn thảo về các qui trình hợp tác, phối hợp trong đảm bảo an toàn mạng.

Đại diện VNCERT cũng cho hay, hiện Trung tâm đang triển khai nhiều Đề án quan trọng nhằm đưa các hoạt động giám sát, điều phối và ứng cứu sự cố an toàn mạng trở thành một trong những công việc chính trong phát triển TT&TT tại Việt Nam. Đặc biệt, khi hệ thống chính phủ điện tử được vận hành thông suốt, công tác đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống kỹ thuật cũng như việc bảo vệ dữ liệu truyền tải, lưu trữ, chính là để bảo vệ cho hoạt động của cả bộ máy công quyền Việt Nam.

“Mỗi cá nhân, tổ chức sử dụng các ứng dụng CNTT đều cần có ý thức và trách nhiệm trong bảo vệ an toàn mạng. Với vai trò đầu mối quốc gia phối hợp quốc tế, với trách nhiệm của đơn vị điều phối toàn quốc trong ứng cứu sự cố ATTT, VNCERT đã xây dựng và đang phổ biến tới các tổ chức nhà nước và tư nhân qui trình xây dựng đội ứng cứu sự cố an toàn mạng. Các đơn vị cần liên hệ với VNCERT để triển khai công tác này. Việc tham gia vào Mạng lưới là bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước và được mở rộng tới các thành phần ngoài nhà nước. Các cá nhân là chuyên gia trong lĩnh vực an toàn mạng cũng có thể nộp đơn xin tham gia”, đại diện VNCERT lưu  ý.

Đại diện VNCERT nhấn mạnh, thế giới phát triển hiện đại như ngày nay là nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, mà nền tảng cơ bản chính là CNTT với các kết nối mạng. Cuộc sống của loài người văn minh đang phụ thuộc vào các kết nối đó. Do đó nếu chiến tranh mạng toàn cầu xảy ra, hậu quả của nó sẽ là sự tê liệt tức thời trên diện rộng và là sự hủy diệt thảm khốc.Nguy cơ này đang thực sự hiện hữu và chúng ta phải sẵn sàng để đối phó.

Theo thống kê của VNCERT, hàng tuần Trung tâm này thực hiện công tác giám sát mạng và phát hiện 2 triệu sự kiện an toàn thông tin cần xử lý, trong đó thường xuyên có 40.000 - 50.000 sự kiện nguy hiểm cần phân tích và có phương án giải quyết tức thì.

Trong điều phối ứng cứu, năm 2015, Trung tâm đã ghi nhận 31.585 sự cố gồm cả sự cố Phishing (lừa đảo), Deface (tấn công thay đổi giao diện)  và Malware (mã độc) cùng 1.451.997 lượt địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng Botnet. So với năm 2014, số lượng sự cố xảy ra năm 2015 tăng vọt, tăng 159,6% trong đó Phishing là 5.898 sự cố (tăng gần 4 lần so với năm 2014);  Deface là 8.850 sự cố (tăng 1,06 lần so với 2014, trong đó có 252 sự cố liên quan đến các tên miền “gov.vn”); Malware là 16.837 sự cố (tăng 1,7 lần so với năm 2014, trong đó có 87 sự cố liên quan đến các tên miền “gov.vn”).

Chỉ tính riêng 6/2016, tổng số sự cố an ninh mạng được VNCERT ghi nhận là 127.630 sự cố, gồm 8.758 sự cố Phishing; 77.160 sự cố Deface và 41.712 sự cố Malware.

Cũng tại hội nghị diễn ra sáng 26/8 tại Lý Sơn, bên cạnh tham luận của các đại diện đến từ các ngoài các Sở TT&TT, các Trung tâm ICT, còn có sự tham dự của Văn phòng Chính phủ với các bài tham luận liên quan các qui định, phương án đảm bảo ATTT cho hạ tầng thông tin trọng yếu và trong việc xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử. Ngoài ra, các công ty công nghệ IBM, CMC, VNPT technology, Fortinet, Mysoft, Netnam cũng có các tham luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp kỹ thuật, công nghệ về đảm bảo ATTT mạng.

Theo ICTNews

Thêm bình luận

Plain text

  • Không được dùng mã HTML.
  • Các địa chỉ web và email sẽ tự động được chuyển sang dạng liên kết.
  • Tự động ngắt dòng và đoạn văn.