5 cách tăng cường bảo mật cho tài khoản Gmail

Gmail đã trở thành dịch vụ thư điện tử phổ biến nhất thế giới, đây cũng chính là lý do đây đang trở thành đích nhắm ưa thích của ngày càng nhiều hacker hiện nay. Để tránh trở thành nạn nhân của chúng, bạn hãy thực hiện 5 bước dưới đây để tăng cường bảo mật cho hòm thư của mình.

1. Chọn mật khẩu an toàn

Dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau là sai lầm mà rất nhiều người mắc phải. Một mẩu khẩu như vậy giống như một chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Một khi nắm được chiếc chìa khóa này, một tên hacker khù khờ nhất có lẽ cũng biết được việc cần làm tiếp theo.

Do vậy, ngay lúc này bạn hãy “ưu ái” đặt riêng cho tài khoản Gmail của mình một mật khẩu khác với những mật khẩu mà bạn sử dụng lâu nay. Đó nên là một mật khẩu khó đoán với người khác nhưng lại thân thuộc với bạn, chẳng hạn tên chú cún cưng mà bạn yêu quý thời ấu thơ. Chắc hẳn bạn đã thuộc nằm lòng cái tên đó, còn nếu hồi nhỏ bạn không nuôi thú cưng, hoặc không tin tưởng trí nhớ của mình lắm, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của một công cụ tạo và quản lý mật khẩu như LastPass, KeePass, Norton Identity Safe… 

Tham khảo: Làm thể nào để tạo mật khẩu mạnh và dễ nhớ?

2. Thiết lập xác minh 2 bước cho Gmail

Tính năng xác minh 2 bước được Google tích hợp vào Gmail để tăng cường bảo mật cho hòm thư người dùng. Khi đăng nhập vào tài khoản Gmail, ngoài mật khẩu mà bạn thường sử dụng, bạn cần cung cấp một mã số ngẫu nhiên được gửi đến số điện thoại mà bạn đăng ký. Do vậy ngay cả khi nắm trong tay tài khoản Gmail và mật khẩu đi kèm, hacker cũng sẽ “lực bất tòng tâm” nếu điện thoại với số điện thoại trên vẫn đang nằm trong tay bạn.

Tham khảo cách thiết lập xác minh 2 bước cho Gmail tại đây.

3. Đừng mở những email khả nghi

Bạn đã từng nhận được những email thông báo trúng độc đắc, hay một phần thưởng hấp dẫn ở một cuộc thi trời ơi đất hỡi nào đó mà bạn chưa hề đăng ký tham gia dự thưởng? Có thể khẳng định 100% đó là những email spam, hay nguy hiểm hơn là những email lừa đảo hòng chiếm đoạt thông tin cá nhân của bạn. Trong trường hợp này, thư mục Bin (thùng rác) của Gmail chính là chỗ thích hợp dành cho chúng.

Còn với những email mà bạn không chắc có phải là email lừa đảo hay không, chẳng hạn một thư mời phỏng vấn cho một công việc hấp dẫn, hãy dựa vào kinh nghiệm của mình để đánh giá, hoặc cẩn thận hơn nữa là lên Google tìm thông tin về người gửi, hoặc bất cứ chi tiết nào được nhắc đến trong tiêu đề thư.

4. Kiểm tra thiết lập chuyển tiếp của Gmail

Một mánh khác của dân hacker là thay đổi thiết lập hòm thư Gmail để chuyển tiếp cho chúng những email mà bạn nhận được. Bằng cách này chúng có thể kiểm tra bất kỳ email nào được gửi đến bạn, trong đó rất có thể sẽ có thông tin đăng nhập, giao dịch ngân hàng hay những email riêng tư của bạn.

Do vậy bạn hãy kiểm tra thiết lập chuyển tiếp của hòm thư xem liệu có địa chỉ nào mà bạn không biết xuất hiện trong danh sách chuyển tiếp hay không. Cách thực hiện như sau: tại hòm thư Gmail của bạn, nhấp vào biểu tượng hình bánh răng ở phía trên cùng bên phải và nhấn Settings. Chuyển đến tab Forwarding and POP/IMAP. Tại mục Forward a copy of incoming mail to, bạn sẽ thấy danh sách những hòm thư được chuyển tiếp. Nếu thấy có địa chỉ email nào mà bạn không nắm chắc, hãy xóa chúng đi.

5. Thường xuyên quét virus

Không nói cũng biết sự cần thiết phải cài phần mềm diệt virus cho máy tính, đồng thời dùng nó để quét máy thường xuyên. Đây là việc không tốn nhiều công sức nhưng rất quan trọng để bảo vệ máy tính trước hằng hà sa số chúng loại virus hiện nay. Với bất kỳ máy nào không cài chương trình diệt virus, hacker có thể dễ dàng đột nhập vào đó để cấy mã độc, và theo dõi nhất cử nhất động trên chiếc máy này.

Theo ICTNews

Đặc biệt khi bạn sử dụng một chiếc máy tính công cộng ở một tiệm café internet hay một khách sạn, thì việc kiểm tra tình trạng sức khỏe của máy tính là việc không thể thiếu trước khi đăng nhập vào Gmail hay tài khoản ngân hàng của mình.

Thêm bình luận

Plain text

  • Không được dùng mã HTML.
  • Các địa chỉ web và email sẽ tự động được chuyển sang dạng liên kết.
  • Tự động ngắt dòng và đoạn văn.