Danh tiếng của Apple có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu những cáo buộc nghe lén của cựu nhân viên là thật.
Tháng 8/2019, Guardian đã gây sốc khi "phanh phui" việc Apple thuê nhân viên nghe, lưu trữ các lệnh Siri của người dùng mà không hỏi ý kiến trước. Ngoài câu lệnh thông thường, dữ liệu còn chứa các thông tin nhạy cảm như tình hình sức khỏe, buôn bán ma túy và một cặp vợ chồng đang quan hệ tình dục.
Sau khi nhận nhiều chỉ trích, Apple đã công khai xin lỗi người dùng vì "chưa tuân theo lý tưởng đã đề ra", cam kết thay đổi chính sách quyền riêng tư của Siri. Tuy nhiên đến hiện tại, mọi thứ vẫn "đâu vào đó".
Lần đầu tiết lộ danh tính, Thomas le Bonniec, nhân viên từng được thuê nghe những câu lệnh Siri của người dùng iOS, nói rằng Apple "liên tục phớt lờ, vi phạm các quy định cơ bản và tiếp tục dự án thu thập dữ liệu quy mô lớn".
Lo ngại trước những hoạt động ghi âm của Siri khi không có sự cho phép của người dùng, ngày 20/5, Bonniec công khai các bức thư tố cáo Apple được gửi tới các cơ quan quản lý quyền riêng tư Châu Âu, kêu gọi sự vào cuộc chống lại tập đoàn công nghệ này.
“Điều đáng lo ngại là Apple (và có thể một số bên liên quan khác) sẽ tiếp tục phớt lờ và vi phạm các quyền cơ bản của người dùng nhằm phục vụ bộ sưu tập dữ liệu khổng lồ của họ.
Tôi đã nghe hàng trăm bản ghi mỗi ngày từ nhiều thiết bị Apple khác nhau như iPhone, Apple Watch hay iPad. Chúng thường được ghi lại ngay sau khi Siri được kích hoạt mà người dùng không hề hay biết", le Bonniec chia sẻ trên Guardian.
"Những bản ghi thu được không chỉ giới hạn với người dùng Apple mà còn liên quan đến người thân, con cái, bạn bè, đồng nghiệp của họ hoặc bất cứ ai mà thiết bị có thể ghi âm được", le Bonniec khẳng định hệ thống ghi lại mọi thứ như tên, địa chỉ, tin nhắn, tìm kiếm, cãi nhau, tiếng động xung quanh, phim, cuộc trò chuyện.
Một số chủ đề mà le Bonniec đã nghe bao gồm người thân đã chết, tôn giáo, tình dục, khiêu dâm, chính trị, giáo dục, các mối quan hệ hoặc buôn bán ma túy.
"Với tuyên bố này, tôi muốn mọi người biết đến động thái của Apple, tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan để cung cấp chứng cứ. Dù sự việc đã được công khai, tôi vẫn chưa thấy Apple bị điều tra bao giờ", le Bonniec chia sẻ.
Theo Forbes, le Bonniec cũng chỉ trích các cơ quan dữ liệu vì đã không hành động kịp thời với những vấn đề tương tự, không chỉ của Apple mà còn với các hãng công nghệ nói chung.
Cần lưu ý rằng Apple không phải hãng duy nhất thuê nhân viên "nghe lén" các thông tin nhạy cảm của người dùng. Amazon, Google và Facebook cũng có chính sách tương tự, song không có những tuyên bố "đanh thép" về việc tôn trọng quyền riêng tư người dùng như Apple.
Từ phiên bản iOS 13.2, Táo khuyết đã cho phép người dùng xóa bỏ các lệnh Siri đã được ghi âm, tuy nhiên tính năng này vẫn được bật theo mặc định
Thêm bình luận