Mạng 5G có thể khiến hacker trộm dữ liệu nhanh hơn

Với tốc độ truyền tải cực nhanh và lượng dữ liệu khổng lồ, mạng 5G có thể bị hacker lợi dụng trộm cắp dữ liệu nhanh và dễ hơn.

Ông Vitaly Kamluk, Tổng giám đốc Nhóm phân tích và nghiên cứu (GreAT) khu vực châu Á Thái Bình Dương của Kaspersky Lab, dự báo trong năm 2019 mạng 5G có thể khiến hacker dễ dàng trộm dữ liệu hơn.

Giải thích việc này với ICTnews, ông Vitaly cho biết mạng 5G nhanh hàng trăm lần so với tốc độ 4G hiện tại, lưu lượng truyền tải do đó cũng lớn hơn.

“Nếu trước đây hacker mất vài ngày hoặc vài tuần để trộm một thông tin gì đó thì nay có với tốc độ mạng cao hơn và dữ liệu nhiều hơn, chúng chắc chắn mất ít thời gian hơn”, ông Vitaly trả lời ICTnews trong sự kiện họp trực tuyến với các nhà báo khu vực Đông Nam Á, về các dự báo an ninh mạng năm 2019 của Kaspersky Lab cách đây hai tuần. Mạng 5G có thể kích thích người dùng sử dụng dịch vụ nhiều hơn, nguy cơ do đó cũng cao hơn. Ví dụ một người dùng di động để mua quần áo, nếu thanh toán qua các cổng không được đảm bảo, sẽ dễ bị hacker xâm nhập và trộm các dữ liệu quan trọng. Lượng người dùng di động tăng lên cũng khiến hacker phát triển nhiều phần mềm độc hại cho thiết bị này", ông Vitaly giải thích. 

Kaspersky từng cảnh báo về xu hướng tấn công vào các nhà máy công nghiệp, như một đập thuỷ điện có kết nối Internet chẳng hạn, với mục đích phá hoại lẫn lý do tài chính.

Tại Việt Nam, các nhà máy công nghiệp ứng dụng IoT chưa phổ biến, các công trình công nghiệp trọng yếu kết nối Internet vẫn chưa cao. Ông Vitaly cho biết Kaspersky Lab chưa ghi nhận tình huống tấn công nào ở Việt Nam hay Đông Nam Á liên quan đến lĩnh vực nhà máy công nghiệp.

Báo cáo của Kaspersky Lab chỉ ra 5 xu hướng tấn công mạng chủ yếu sẽ diễn ra trong năm 2019.

Đầu tiên, các vụ tấn công mạng có chủ đích (APT) sẽ ngày càng dễ nhận thấy hơn. Những vụ tấn công APT nổi tiếng kiểu cũ được thiết kế lại, tấn công vào những mục tiêu mới với các mục đích mới. Ông Vitaly lưu ý các cuộc tấn công APT năm 2019 sẽ nhắm đến những khu vực ít bị chú ý.

Tiếp đó, tấn công vào các thiết bị IoT sẽ gia tăng vì rất khó nhận diện các cuộc tấn công này. Phần mềm quản lý nghèo nàn, ít được chú ý bảo vệ là nguyên nhân khiến những chiếc camera an ninh, webcam, hay modem kết nối mạng, máy in,... bị tấn công. Trên thực tế các thiết bị dạng này đã bị tận dụng làm botnet để tấn công DDoS vào nhiều hệ thống khác nhau. Ngày càng nhiều thiết bị IoT sẽ bị lợi dụng để trở thành các botnet.

Ngoài ra, báo cáo cho rằng nhiều cuộc tấn công APT sẽ có màu sắc chính trị và được phô bày rộng rãi, khiến vấn đề có thể được đưa lên bàn nghị sự ngoại giao.

Trong các cuộc tấn công APT, không chỉ bên tấn công và bên bị tấn công đụng độ, mà những tổ chức hacker lớn có thể sẽ đối đầu với những cá nhân, nhóm nhỏ lẻ mới. Trong thời điểm này, một cá nhân hoặc bất kỳ nhóm hacker mới nào đều có thể tạo ra những vụ tấn công mạng bằng cách mua công cụ trên thị trường chợ đen.

Những kẻ mới sẽ háo thắng hơn, tìm nhiều cách để gây hại cho nạn nhân của chúng. Các yếu tố này khiến giới hacker mới tiến bộ hơn trong thế giới ngầm. Tuy vậy, những nhóm hacker lớn sẽ tự phát triển công cụ phá hoại của riêng mình để tấn công có chủ đích. Trên mặt trận này, sẽ có những cú đụng độ giữa hacker cũ và mới, Kaspersky Lab nhận định.

Mặc dù chưa có cuộc tấn công lớn nào nhắm vào thiết bị di động nhưng ông Vitaly cho biết đã thấy vài nhóm hacker sẵn sàng tấn công Zero Day, tấn công vào các lỗ hổng, trên hệ điều hành iOS.

Ngoài những xu hướng trên, đại diện Kaspersky còn cảnh báo các nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu trên mạng xã hội, các mã độc phá huỷ dữ liệu và những lỗ hổng trên phần cứng máy tính có thể bị khai thác.

Thêm bình luận

Plain text

  • Không được dùng mã HTML.
  • Các địa chỉ web và email sẽ tự động được chuyển sang dạng liên kết.
  • Tự động ngắt dòng và đoạn văn.