Những ngày sát Tết Đinh Dậu, nhiều người dân đã nhận được lời chào mời đầu tư vào lĩnh vực tiền điện tử với lợi nhuận hấp dẫn. Cơ quan công an cảnh báo, tiền điện tử chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nên việc kinh doanh tiền điện tử là bất hợp pháp. Trong năm 2016 đã có nhiều người dân bị chiếm đoạt tiền hàng chục tỷ đồng khi tham gia đầu tư vào tiền điện tử.
Tiền Bitcoin chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
Mấy ngày sát Tết Đinh Dậu trên Facebook và các trang mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng nhắn tin, chào mời tham gia đầu tư tiền điện tử. Cụ thể nhất, vào tối ngày 17/1/2017, một tin nhắn được gửi đến tài khoản Facebook của chị Phạm Thu Hiền (Tông Đản, Hà Nội) với nội dung: “Chào bạn. Tôi là Nguyễn Từ Nam, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản và chứng khoán. Tôi đã có 30 năm sinh sống và làm việc tại Pháp, tốt nghiệp MBA về tài chính và thạc sĩ toán học. Hiện tại tôi đang tham gia vào 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực tiền điện tử với lợi nhuận rất hấp dẫn. Tôi đang tìm thêm đối tác để tham gia đầu tư cùng. Nếu bạn quan tâm tới lĩnh vực đầu tư. Hãy liên hệ với tôi”.
Sau khi nhận được tin nhắn của độc giả, ICTnews đã liên hệ với một cán bộ của PC50, Công an Hà Nội và nhận được lời cảnh báo: “Đây là chiêu lừa đảo, bởi hiện nay Việt Nam và nhiều nước khác chưa chấp nhận tiền điện tử nên việc chào mời đầu tư vào lĩnh vực này là bất hợp pháp”.
Trong buổi Tọa đàm trực tuyến do ICTnews tổ chức hôm 10/1/2017 mới đây, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PC50 Công an Hà Nội cũng cho hay, năm 2016, PC50 Công an Hà Nội đã nhận được nhiều đơn tố cáo về hành vi thiết lập, quản trị và điều hành website kinh doanh tiền điện tử trái phép, sử dụng tiền điện tử để rửa tiền, ship hàng, trả tiền cá độ, tổ chức đánh báo trực tuyến hoặc huy động vốn đa cấp dưới hình thức đầu tư tiền điện tử.
Tin nhắn mời tham gia đầu tư tiền điện tử mà chị Hiền nhận được vào tối ngày 17/1/2017
Giữa tháng 11/2016, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP.Hà Nội đã nhận được gần 20 đơn thư của bị hại bị lừa đảo, chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền “ảo” Bitcoin.
Đa số những người “dính bẫy” lừa đảo bởi vì tin tưởng đầu tư tiền ảo sẽ mang được tiền thật về. Nhiều người đã nảy sinh lòng tham, tham gia đầu tư nhiều tiền. Khi số tiền trong mã tài khoản “ảo” thâu tóm được nhiều nạn nhân và đạt tới số tiền nhất định, “nhà cái” sẽ đánh sập và chiếm đoạt số tiền “ảo” đã đầu tư, tức là chiếm mã tài khoản khiến cho người có mã không đăng nhập được nữa.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định tất cả các hệ thống máy chủ có thể cung cấp mã điện tử lại không nằm trên lãnh thổ Việt Nam và vì thế chỉ xử lý được những người xác định được tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vi phạm quy định sử dụng mạng máy tính.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc nhiều đối tượng chân rết tại Việt Nam bị xử lý, bắt giữ là do chính họ cũng là nạn nhân của việc lừa đảo tiền “ảo” Bitcoin nhưng không biết.
Bitcoin cũng là loại tiền huy động vốn tương tự hệ thống đa cấp khác. Khi người chơi đông, tham gia nhiều tiền thì người nào có nhiều khách “dưới chướng” sẽ thu được nhiều tiền nhất.
Ví dụ, tại một nhánh huy động, khi hẹn nạn nhân tham gia với số tiền 10 triệu đồng trong vòng thời gian 10 ngày sẽ có 20 triệu đồng, nếu huy động được thêm 1 người tham gia sẽ được thêm 5 triệu đồng. Sở dĩ người huy động bị bắt và xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vì khi bên A môi giới nhận tiền của bên B và các bên khác đều có giấy viết đã nhận tiền.
Thế nhưng bên A là người cung cấp mã đăng nhập chứ không phải do bên A làm ra, trong khi bên A không thể biết người trên mình là ai, ở đâu? Đến khi hệ thống mạng đầu tư bị sập, hoặc đến ngày phải trả lãi như đã giao hẹn với bên B, nhưng bên A lại không có để trả, lãi lớn nên bên A phải chịu trách nhiệm do giấy biên nhận vẫn còn. Khi cơ quan công an điều tra nhận được tố cáo thì bên A trở thành đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, PC50 đã điều tra xử lý hàng chục vụ liên quan đến đồng tiền “ảo” Bitcoin. Tháng 8/2016, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt giữ 3 đối tượng và lập hồ sơ, xử lý vi phạm liên quan đến mạng đa cấp Boss - Bitcoin.com.
Nhiều “nhà đầu tư” nhanh chóng trở thành nạn nhân do đổi tiền thật lấy tiền “ảo”, cơ quan công an liên tiếp có những cảnh báo tới người dân nâng cao ý thức và nhận thức rõ việc tham gia hình thức đầu tư chính thống về Bitcoin phải được sự quản lý của Nhà nước.
Để tránh rủi ro từ việc người dân tham gia kinh doanh tiền “ảo”, cơ quan công an đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan sớm có đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý với tài sản “ảo”, tiền điện tử tại Việt Nam. Xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ trì xây dựng, hoàn thiện pháp lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính từ tiền và tài sản “ảo”, tiền điện tử; đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt nghiêm với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này.
Bitcoin hay các loại tiền “ảo” khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận. Việc hoạt động không chính thống này đã kéo theo những tranh chấp dân sự, thương mại và tội phạm lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt hàng triệu USD tiền thật.
Theo ICTNews
Thêm bình luận